Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu lần thứ 2 – hội nhập kinh tế, dịch chuyển lao động và việc làm ở Đông Nam Á

Ngày 2 tháng 2 năm 2015, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Châu Âu, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS), phối hợp với Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO, Pháp) và một số đối tác liên quan tổ chức hội thảo “Công bố kết quả nghiên cứu lần thứ 2 về hội nhập kinh tế, dịch chuyển lao động và việc làm ở Đông Nam Á”. Đây là hoạt động trong khuôn trong khuôn khổ dự án nghiên cứu quốc tế SEATIDE: “Hội nhập ở Đông Nam Á: Các xu hướng gắn kết và các động lực loại trừ” do Liên minh châu Âu tài trợ. Tham gia dự án còn có các trường đại học Cambridge (Vương quốc Anh), Milano-Bicocca (Italia), Hamburg (Đức), Tallinn (Estonia), Chiang Mai (Thái Lan), Gadjah Mada (Indonesia), và Sains Malaysia (Malaysia). Dự án được thực hiện từ tháng 1/2013 và sẽ kết thúc vào 12/2015. Hội thảo công bố kết quả lần thứ nhất của dự án đã được tổ chức tại Malaysia vào tháng 9/2014.

img_3224

Tham dự hội thảo có GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch VASS; GS.Yves Goudineau, Giám đốc EFEO và Điều phối viên dự án SEATIDE, Ngài Alejandro Montalban-Carrasco, Trưởng ban Hợp tác và Phát triển, Phái đoàn LMCA tại Việt Nam, đại diện của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các viện và cơ quan nghiên cứu, cơ quan thông tấn báo chí và khách quốc tế.

Mục tiêu của hội thảo lần thứ hai này là công bố kết quả từ nghiên cứu thực địa ở Indonesia và Việt Nam. Dự án đã sử dụng phương pháp phân tích toàn diện, liên ngành, từ các hướng tiếp cận lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội học, tôn giáo… về quá trình hội nhập và các hình thức hội nhập kinh tế, dịch chuyển lao động và việc làm ở Đông Nam Á. Các phát hiện chính được trình bày qua 6 báo cáo trong 2 phiên, Phiên 1 là “Công nghiệp hoá, lao động và nghèo đói” và Phiên 2 là “Việc làm và dịch chuyển lao động quy mô nhỏ”. Các báo cáo đã phân tích những chiều cạnh liên quan đến hội nhập và phát triển kinh tế khu vực, đề cập khá chi tiết đến tình trạng lao động trong các khu công nghiệp, lưu ý đến bẫy thu nhập trung bình, các mô hình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa lệ thuộc và tác động của nó đối với lao động, và những rủi ro khi mô hình công nghiệp hóa hướng về FDI. Các chủ thể trên thị trường lao động được phân tích nhiều chiều cạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong đó tập trung vào các mối quan hệ xã hội, vai trò mạng lưới xã hội, lao động và nghèo, việc làm và dịch chuyển lao động quy mô nhỏ, điều kiện làm việc và đời sống khi chuyển từ lao động phi chính thức sang lao động chính thức. Cách tự giải quyết các vấn đề khá đơn giản và linh hoạt của nhóm lao động nhập cư cho thấy nguồn vốn xã hội khá phong phú và tính thích ứng cao của họ. Thách thức chủ yếu đối với nhóm lao động này là làm sao họ có được việc làm chính thức, bền vững và làm thế nào để có thể tiếp tục sống sau khi rời khu công nghiệp, không bị loại trừ trong quá trình hội nhập và phát triển.

Các đại biểu tham dự hội thảo đánh giá cao kết quả nghiên cứu và sôi nổi thảo luận xung quanh chủ đề: làm thế nào để Đông Nam Á và châu Âu có thể hợp tác để thúc đẩy cơ hội tiếp cận thị trường lao động và điều kiện làm việc tốt hơn? Việt Nam cần tránh rơi vào “bẫy thu nhập thấp” vì sử dụng khá nhiều lao động thâm dụng, kỹ năng thấp; chú ý phát triển khu vực dịch vụ, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát huy lợi thế và phát triển tốt hơn. Hợp tác giữa Việt Nam và châu Âu sẽ tạo điều kiện cho lao động Việt Nam có thể thay đổi. Điều đó phụ thuộc vào chính sách nhà nước khi Việt Nam còn ba nút thắt: thể chế, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực thấp là những thách thức lớn. Cần chú ý tăng cường hợp tác quốc tế, những đối thoại xã hội, nghiên cứu và vận động chính sách tiếp theo nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền của người lao động di cư trong quá trình hội nhập và phát triển./.

Bùi Thị Thanh Hà



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *